Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) (1/12)
- Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS (World AIDS Day) là ngày lễ quốc tế được cử hành vào ngày 1 tháng 12 hàng năm, nhằm nâng cao nhận thức về nạn dịch AIDS do việc lây nhiễm HIV, và để tưởng nhớ các nạn nhân đã chết vì HIV/AIDS.
- Tính từ năm 1981 tới 2007, bệnh AIDS đã giết chết hơn 25 triệu người, và tới năm 2007 ước tính có khoảng 33,2 triệu người trên khắp thế giới bị nhiễm HIV, làm cho HIV/AIDS trở thành một trong các dịch bệnh phá hoại nhất trong lịch sử. Mặc dù gần đây, việc điều trị và phòng chống HIV đã được cải thiện ở nhiều vùng trên thế giới, nhưng chỉ riêng năm 2007, đã có khoảng 2 triệu người bị chết vì bệnh AIDS, trong đó có khoảng 270.000 trẻ em.
- "Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS" được James W. Bunn và Thomas Netter, hai viên chức thông tin đại chúng cho "Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS" của Tổ chức Y tế Thế giới tại Genève, Thụy Sĩ nghĩ ra lần đầu trong tháng 8 năm 1987. Bunn và Netter nêu ý kiến của họ cho Dr. Jonathan Mann, Giám đốc Chương trình toàn cầu về bệnh AIDS (nay gọi là Chương trình chung của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS). Dr. Mann thích sáng kiến này, đã chấp thuận và đồng ý với khuyến nghị về việc tổ chức "Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS" đầu tiên vào ngày 1 tháng 12 năm 1988.
- Chương trình chung của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (Joint United Nations Programme on HIV/AIDS) (UNAIDS) đã bắt đầu hoạt động vào năm 1996, và nắm việc quy hoạch và xúc tiến Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS. Thay vì tập trung vào một ngày duy nhất, Chương trình chung của Liên Hợp Quốc về HIV/AID đã lập ra "Chiến dịch thế giới phòng chống AIDS" vào năm 1997 để tập trung vào thông tin, phòng chống và giáo dục về HIV/AIDS quanh năm.
- Trong 2 năm đầu, chủ đề của Ngày thế giới phòng chống bệnh AIDS tập chú vào các trẻ em và người trẻ. Các chủ đề trên lúc đó đã bị chỉ trích mạnh mẽ vì đã lờ đi sự kiện là người ta thuộc mọi lứa tuổi đều có thể bị nhiễm HIV và bệnh AIDS. Tuy nhiên, các chủ đề đã thu hút sự chú ý tới nạn dịch HIV/AIDS, giúp giảm bớt một số kỳ thị xung quanh căn bệnh này, và giúp thúc đẩy sự nhìn nhận vấn đề là một bệnh gia đình.
Từ Wikipedia.